Các loại mái lợp cho kết cấu tre

Đối với những ngôi nhà có kết cấu bằng tre, bộ phận mái đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ kết cấu, đồng thời làm tăng vẻ đẹp của vật liệu tre. Vậy để tạo nên bộ phận mái ấn tượng và bền nhất, cần những điều kiện gì?

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Các loại mái lợp cho kết cấu tre

Để làm được điều đó, cần xét đến một số yếu tố như:

1. Phần nhô ra của mái giảm bớt sự phong hóa của tre do ảnh hưởng mưa nắng, thời tiết

2. Độ cao, độ dốc mái

3. Khoảng cách của xà nhà

4. Vật liệu sử dụng

Tại Bali, Indonesia, một số loại mái lợp được sử dụng phổ biến cho các công trình bằng tre như thatch, tre chẻ nửa, ngói, ván lợp tre dẹt hay các tấm lợp bằng đồng dát mỏng. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể:

Mái Thatch Roof (tiếng địa phương gọi là alang alang)

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Mái Thatch Roof

Mái Alang-Alang là kỹ thuật lợp mái tranh truyền thống sử dụng ở Indonesia, lấy nguyên liệu từ cỏ Công (cỏ tranh) phơi khô. Những tấm tranh có chiều dài tối đa 3 mét, được tạo ra bằng cách đánh tranh và đan nhau bằng thanh tre cứng cố định. Mỗi tấm tranh đóng vai trò như một tấm lợp. Khi lợp mái, từng tấm alang được buộc vào vì kèo theo kỹ thuật.

Đối với một công trình bằng tre, nếu sử dụng mái alang cần có độ dốc 45 độ để cho nước chảy và không nên đặt các vì kèo cách nhau quá 60 cm để giữ cho mái không bị võng. Mái alang linh hoạt và bổ sung tốt cho mái cong, đặc biệt hữu ích khi cách nhiệt, giúp mái nhà “thở”, thoát khí nóng và vẫn giữ được khí mát bên trong.

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Mái Alang-Alang là kỹ thuật lợp mái tranh truyền thống sử dụng ở Indonesia

Không chỉ ở Indonesia mà những khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam cũng thường sử dụng mái cỏ tranh. Mức giá cho mỗi một m2 mái alang tại Bali có giá dao động từ 15 – 17 USD.

Tuy nhiên, nhược điểm của mái tranh là yêu cầu bảo dưỡng cao. Sau 3-7 năm cần thay mái alang một lần. Độ bền của mái còn phụ thuộc vào chất lượng cỏ tranh thu hoạch, độ ẩm và chất hữu cơ tích tục sau mưa, cây che phủ…

Mái che bằng tre chẻ đôi

Mái che này được tạo thành từ những thân tre cứng cáp được chẻ làm đôi và lồng ghép vào nhau, tương tự như kỹ thuật lợp ngói Tây Ban Nha. Đối với một ngôi nhà có mái tre bằng tre chẻ nửa, mái cần có độ dốc tối thiểu 40 độ và các vì kèo không được đặt cách nhau quá 60 cm. Ngoài ra, mái cũng cần được che phủ đúng cách.

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Mái che bằng tre chẻ đôi

Để tăng độ bền cho mái tre, nên sử dụng 3 lớp phủ. Lớp đầu tiên là các tấm liếp được đan từ tre gọi là bedeg đặt lên vì kèo để tăng tính thẩm mỹ. Lớp thứ 2 là trải nhựa đường và cuối cùng ghép các ống tre chẻ đôi lên trên. Mái nhà này thường sử dụng cho những công trình nhỏ, mái hơi cong.

Hệ thống mái lợp này cũng cần được bảo trì và thay thế sau mỗi 5 năm. Tre dễ bị mục nhanh chóng nếu tiếp xúc với hơi ẩm hoặc chất hữu cơ.

Mái ngói đất nung

Ngói nung là vật liệu lợp bền nhất. Những mái nhà kiểu này có thể tồn tại trong 100 năm. Mái ngói đất nung rất nặng, do đó trong quá trình thiết kế phải tính đến tải trọng tăng thêm này. Đối với một công trình tre được thiết kế mái ngói, nên sử dụng độ dốc 35 độ và không nên đặt các xà nhà cách nhau quá 30cm. Các thanh tre chắc chắn hoặc gỗ phải được xếp chặt chẽ để giữ ngói trên mái.

Mái ngói này chỉ cần dọn sạch các chất hữu cơ nếu có hoặc thay thế những viên gạch bị vỡ, ít cần bảo trì.

Mái bằng tre dẹt (theo từ địa phương là pelupuh)

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Mái ngói đất nung

Pelupuh là cây tre được chẻ đôi sau đó tiếp tục được chẻ dập để tạo thành mặt phẳng. Các vết chẻ không xuyên qua toàn bộ thành ống, chỉ đủ để phần thân được làm phẳng sau đó đem xử lý. Cũng giống như mái tre chẻ nửa, khi lợp mái bằng tre dẹt cũng được đặt một lớp liếp thẩm mỹ, sau đó là lớp nhựa đường để tạo thành màng chống thấm tổng hợp và đặt các tấm tre dẹt đã được cắt đúng kích thước để làm lớp lợp cuối. Các lớp được cố định bằng súng bắn đinh.

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Các lớp được cố định bằng súng bắn đinh.

Đối với công trình sử dụng mái tre dẹt, cần độ dốc tối thiểu là 40 độ và các xà nhà không đặt cách nhau quá 40cm. Tre dẹt rất linh hoạt và có thể uốn được thành hình mái cong. Lớp màng chống thấm có tuổi thọ từ 20 – 25 năm nhưng lớp tre dẹt bên ngoài phải được thay thế sau 5-8 năm.

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Tre dẹt rất linh hoạt và có thể uốn được thành hình mái cong

Mái lợp bằng đồng

Mái lợp đồng là thử nghiệm mới cho các cấu trúc bằng tre do John Hardy và IBUKU đi tiên phong. Mặc dù bền bỉ với thời gian nhưng chi phí khá đắt đỏ. Các tấm đồng được làm dẹt, tùy chỉnh đặt trên mái nhà. Để lợp mái đồng, độ dốc tối thiểu là 15 độ, các xà nhà không đặt cách nhau quá 60 cm.

Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Mái lợp bằng đồng

Khi thiết kế, các thợ hồ thường trải một lớp tre dẹt sau đó đổ nhựa đường để làm chất kết dính và tiếp đến đặt các tấm đồng thích hợp.

Mái đồng rất linh hoạt và độc đáo, mang đến sự mới mẻ đối với những mái cong. Chúng vẫn giữ được nét thẩm mỹ ngay cả khi bị phong hóa theo thời gian. Hệ thống mái lợp này không cần bảo trì.

Biên dịch | Vũ Hương (Nguồn: Archdaily)

TIN LIÊN QUAN
10 bản vẽ kiến ​​trúc biểu hiện cuộc sống trong đại dịch
Tình hình biến động của năm 2020 đã mang lại cảm hứng cho những người tham gia... 
Chuyển đổi tòa nhà công nghiệp cũ thành văn phòng thi công nội thất trang nhã tại Zaragoza
Để mở rộng văn phòng, công ty 78 Seventy Eight đã quyết định biến tòa nhà công... 
Các loại mái lợp cho kết cấu tre
Đối với những ngôi nhà có kết cấu bằng tre, bộ phận mái đóng vai trò quan trọng... 
Đưa công nghệ xây dựng vòm gốm cũ vào kiến ​​trúc đương đại
Thuật ngữ “vòm gốm” bao gồm một loạt các kỹ thuật xây dựng và các chi tiết...